BÀI GIÁO HUẤN V

NHỮNG BÀI GIÁO HUẤN VỀ ĐỨC MARIA

Lm Phan Tấn Thành, OP dịch
BÀI 6
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH

Đối với Hội thánh, Đức Maria là đấng chuyển cầu cho các tín hữu, đồng thời cũng là mẫu gương của các nhân đức: tin và giữ Lời Chúa, hy vọng, thinh lặng, khiêm tốn và kín đáo, thanh tịnh và dịu hiền, đồng cảm, giao hòa, vui tươi. Đề tài về gương các nhân đức sẽ còn được tiếp tục ở bài 61. 1.- Sau khi đã suy nghĩ về chiều kích Maria của đời sống Hội thánh, bây giờ chúng ta hãy nêu bật kho tàng thiêng liêng dồi dào mà Đức Maria đã thông chuyển cho Hội thánh bằng mẫu gương và sự chuyển cầu của mình. Trước hết, chúng tôi muốn dừng lại để nghiên cứu vắn tắt một vài khía cạnh có ý nghĩa của bản thân Đức Maria, cống hiến cho mỗi tín hữu những hướng dẫn quí giá để đón nhận và thực hiện ơn gọi của mình. Đức Maria đã đi trước chúng ta trên con đường đức tin: khi tin vào sứ điệp của thiên sứ, Người đã đón tiếp mầu nhiệm Nhập thể trước hết mọi người và một cách hoàn hảo hơn bất cứ ai khác (xc. Thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế, số 13). Cuộc hành trình đức tin của Người đã bắt đầu trước khi khởi sự chức vụ làm mẹ Thiên Chúa và còn được phát triển trong suốt cuộc đời dương thế. Đức tin của Người mang tính cách táo bạo: vào lúc truyền tin, Người đã tin vào một điều không thể thực hiện nổi theo sức loài người, và ở Cana đức tin của Người đã thúc đẩy Đức Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên bày tỏ quyền năng thiên sai (xc. Ga 2, 1-5). Đức Maria giáo dục các Kitô hữu hãy sống đức tin như là một con đường dấn thân, và liên lỉ đòi hỏi tính táo bạo và kiên trì ở hết mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh của cuộc sống. 2.- Gắn liền với đức tin là sự ngoan ngoãn làm theo ý Chúa. Khi tin vào Lời của Chúa, Người đã có thể đón tiếp Lời Chúa vào trong cuộc sống của mình; và khi bày tỏ sẵn sàng tuân theo kế hoạch cao cả của Chúa, Người đã chấp nhận tất cả những gì mà Thiên Chúa đòi hỏi ở nơi mình. Sự hiện diện của Đức Trinh nữ trong Hội thánh khuyến khích tất cả các Kitô hữu hãy biết dành ra mỗi ngày lắng nghe Lời của Chúa, ngõ hầu hiểu ra kế hoạch tình thương của Chúa, trong hết mọi cảnh huống của cuộc đời, bằng cách cộng tác trung thành vào việc thực hiện kế hoạch đó. 3.- Nhờ vậy Đức Maria dạy dỗ cộng đoàn các tín hữu hãy nhìn về tương lai với lòng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Trong kinh nghiệm bản thân của Đức Trinh nữ, đức trông cậy đã được tăng cường nhờ những động lực luôn luôn đổi mới. Ngay từ lúc Truyền tin, Đức Maria đã tập trung nơi Con Thiên Chúa Nhập thể trong lòng dạ trinh khiết của mình tất cả mọi nỗi chờ mong của dân Israel. Niềm trông đợi của Mẹ đã được kiện toàn trải qua những giai đoạn kế tiếp trong cuộc đời ẩn dật tại Nazarét và thời hoạt động công khai của Đức Giêsu. Niềm tin lớn lao vào lời của Đức Kitô, Đấng đã tiên báo cuộc sống lại vào ngày thứ ba, đã khiến cho Người không bị lung lay kể cả khi phải đối đầu với bi kịch Thập giá: Người đã duy trì niềm hy vọng vào việc thành tựu chương trình cứu chuộc; Người đã trông đợi không chút ngần ngừ, – sau những cơn tối tăm của thứ sáu tuần thánh -, hừng đông của ngày sống lại. Trong con đường cam go trải qua dòng lịch sử, giữa ơn cứu độ “đã lãnh nhận” và “chưa hoàn tựu”, cộng đoàn các tín hữu biết rằng mình có thể tin tưởng nơi sự trợ giúp của “Mẹ nguồn cậy trông”, Đấng đã cảm nghiệm được sự chiến thắng của Đức Kitô trên các quyền lực sự chết, và thông đạt cho họ một khả năng luôn mới mẻ để biết chờ đợi tương lai của Thiên Chúa và tín thác nơi những lời Chúa hứa. 4.- Tấm gương của Đức Maria giúp cho Hội thánh biết quý trọng giá trị của thinh lặng. Sự thinh lặng của Đức Maria không phải chỉ là nói năng ít lời, nhưng nhất là khả năng khôn ngoan biết nhớ lại và thâu thập – trong một cái nhìn đức tin – tất cả mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập thể và những diễn biến của cuộc đời của Chúa. Đây chính là sự thinh lặng đón nhận Lời Chúa, khả năng chiêm ngắm mầu nhiệm của Đức Kitô, mà Đức Maria đã truyền lại cho dân các tín hữu. Trong một thế giới huyên náo và đủ thứ tin tức, chứng tá của Người giúp cho chúng ta quý trọng một sự thinh lặng phong phú về tinh thần và cổ võ tinh thần chiêm niệm. Đức Maria làm chứng cho giá trị của một cuộc sống khiêm tốn, ẩn dật. Thường tất cả mọi người đòi hỏi và đôi khi còn yêu sách phải đánh giá cao bản ngã và những tài năng của mình. Ai ai cũng đều thích trọng vọng và danh giá. Phúc âm nhiều lần nói rằng các Tông đồ cũng mong mỏi được chiếm những chỗ cao trong Nước Chúa, họ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, và Chúa Giêsu đã phải dạy cho họ biết sự cần thiết của đức khiêm nhường và sự phục vụ (xc. Mt 18, 1-5; 20, 20-28; Mc 9,30-37; 10, 35-45; Lc 9,46-48; 22,24-27). Ngược lại, Đức Maria không hề ước ao danh dự hay những đặc ân lợi lộc; Người luôn luôn đi tìm cách chu toàn ý Chúa và sống một đời tuân theo kế hoạch của Cha. Với những ai thường cảm thấy gánh nặng của một cuộc sống xem ra vô nghĩa, Đức Maria cho họ thấy rằng cuộc đời thật là quý giá nếu biết sống cho tình yêu Đức Kitô và tình yêu anh em mình. 5.- Ngoài ra, Đức Maria còn làm chứng tá cho giá trị của một cuộc đời thanh tịnh và đầy ưu ái đối với hết mọi người. Vẻ đẹp của linh hồn Người, được trao hiến tất cả cho Thiên Chúa, đã thành đối tượng ngưỡng mộ cho tất cả các Kitô hữu. Nơi Đức Maria, cộng đoàn Kitô hữu luôn luôn thấy lý tưởng của một phụ nữ, đầy tình thương âu yếm, bởi vì đã sống thanh sạch trong tâm hồn và thân xác. Trong một nền văn hóa thời đại thường coi rẻ đức khiết tịnh và hạ giá giới tính, tách rời nó ra khỏi nhân phẩm và kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Trinh nữ Maria đã trưng bày cho chúng ta thấy chứng tá của một sự thanh tịnh soi sáng lương tâm và dẫn tới một tình yêu cao cả hơn đối với các tạo vật và đối với Thiên Chúa. 6.- Hơn thế nữa, đối với các Kitô hữu của mọi thời, Đức Maria tỏ ra như là một người đồng cảm với những nỗi khổ đau của nhân loại. Sự thông cảm đó không phải chỉ diễn ra nơi sự chia sẻ cảm thông mà còn biểu lộ qua sự giúp đỡ hữu hiệu và cụ thể đứng trước những khổ đau vật chất và tinh thần của nhân loại. Noi theo Đức Maria, Hội thánh được kêu gọi hãy đảm nhận một thái độ tương tự đối với những người nghèo khổ trên mặt đất. Lòng ân cần của Thân mẫu Đức Kitô đối với những giọt nước mắt, những nỗi khổ và những khó khăn của con người thuộc mọi thời đại, cần thúc đẩy các Kitô hữu, cách riêng vào lúc bước sang ngàn năm thứ ba, hãy tăng gia những dấu chỉ cụ thể hữu hiệu của một tình yêu giúp cho những người bé nhỏ và đau khổ ngày hôm nay có thể tham gia vào những lời hứa và những niềm hy vọng của một thế giới mới, được sinh ra bởi mầu nhiệm Phục sinh. 7.- Tâm tình thảo hiếu sùng mộ của con người đối với Thân mẫu Chúa Kitô đã vượt lên trên những biên cương hữu hình của Hội thánh và thúc đẩy các tâm hồn tiến tới sự hòa giải. Giống như một người mẹ, Đức Maria muốn cho tất cả con cái mình đoàn kết với nhau. Sự hiện diện của Người trong Hội thánh tạo nên một lời mời gọi hãy duy trì sự hòa hợp các tâm hồn giống như vào hồi khai nguyên của Hội thánh (x. Cv.1,14), và do đó, hãy đi tìm những con đường dẫn tới sự hợp nhất và hòa bình giữa hết mọi người thiện tâm. Khi chuyển cầu với Con của mình, Đức Maria nài xin ơn hiệp nhất của toàn thể nhân loại, nhằm tới sự kiến tạo một nền văn minh tình thương, vượt lên trên những khuynh hướng chia rẽ, những cơn cám dỗ hận thù, oán ghét và sự quyến rũ sử dụng bạo lực. 8.- Nụ cười hiền mẫu của Đức Trinh nữ Maria, được rất nhiều họa phẩm ghi lại, đã bày tỏ sự tràn trề duyên dáng và an bình muốn được thông đạt. Việc biểu lộ tâm hồn bình an góp phần hữu hiệu vào việc giới thiệu một khuôn mặt vui tươi của Hội thánh. Nhận lời của thiên sứ lúc Truyền tin “hãy vui lên” (khaire: xc Lc 1,28), Đức Maria là người đầu tiên được thông dự vào niềm vui của thời Cứu tinh, – đã được các ngôn sứ báo trước cho “ Thiếu nữ Sion” (xc.Is 12,6; Xp 3,14-15; Zac 9.8), và Người truyền thụ lại cho nhân loại qua hết mọi thời đại. Khi kêu cầu Đức Maria như là “ nguyên nhân niềm vui của chúng con”[4], các Kitô hữu khám phá ra nơi Mẹ như kẻ có khả năng thông đạt niềm vui phát sinh từ niềm hy vọng, cho dù ở giữa những thử thách cuộc đời, và kẻ dẫn đưa những ai tín thác vào Mẹ đến niềm vui bất tận.
________________________________________
[1] Nên biết là Hội thánh đã tuyên bố bốn “tín điều” (chân lý mặc khải) về Đức Maria: 1/ Mẹ Thiên Chúa; 2/ Trọn đời đồng trinh; 3/ Vô nhiễm nguyên tội; 4/ Hồn xác lên trời. Hai tín điều đầu tiên đã thành hình ngay từ các thế kỷ đầu tiên. Hai tín điều cuối thì được xác nhận vào thế kỷ XIX và XX. Trong các bài huấn giáo sau đây, các tín điều được trình bày dọc theo cuộc đời Đức Maria: 1/ Thụ thai vô nhiễm (bài 23); 2/ Đồng trinh (bài 26); 3/ Thân mẫu Thiên Chúa (bài 37); 4/ Hồn xác lên trời (bài 54). [2] Tức là kinh “Sub tuum praesidium” (Chúng con trông cậy), đã nhắc tới ở bài 2 ( đoạn 5). [3] Đề tài này sẽ được khai triển ở bài 68. [4] Causa nostrae laetitiae, trong Kinh cầu Đức Bà, quen đọc trong bản dịch tiếng Việt là: “ Đức Bà làm cho chúng con vui mừng”